50 tuổi, tôi có đi học thanh nhạc được không?
việc học Thanh nhạc ở tuổi 50 không phải chuyện dễ dàng. Ở tuổi này, độ căng dãn của các dây thanh cũng không còn như trước, bộ máy hô hấp cũng yếu đi ít nhiều do thời gian dài tiếp xúc với ô nhiễm trong môi trường sống, trong nơi làm việc,…
I. NHU CẦU KHÔNG THỂ THIẾU:
Không như chúng ta thường nghĩ rằng học hát chỉ dành cho lớp trẻ, các cô chú tuổi trung niên, sau khi cuộc sống, gia đình và công việc đã có phần ổn định lại rất cần đến một nguồn giải trí lành mạnh. Việc chọn một môn thể thao nhẹ nhàng, một môn nghệ thuật (khiêu vũ, đàn, hát,…) hoặc một thú chơi riêng nào đó ( trồng cây cảnh, đánh cờ, vẽ tranh,…) là rất cần thiết để cân bằng lại cuộc sống, giúp tâm hồn trẻ trung hơn, lạc quan hơn. Việc đi học Thanh nhạc cũng không nằm ngoài mục đích đó. Ở các lớp Thanh nhạc hiện nay, các cô chú 40-50 tuổi chiếm tỉ lệ không nhỏ và là một thành phần tích cực không kém các bạn trẻ.
II. MỘT GIỌNG HÁT 50 TUỔI SẼ CÓ GÌ KHÁC?
Tất nhiên một giọng ca 50 tuổi sẽ không thể giống như một giọng ca 20 tuổi, giọng hát sẽ có phần yếu hơn nếu không được luyện tập đều đặn. Nhưng có một điều mà một giọng hát trẻ không dễ gì có được, đó là “độ chín” của cảm xúc. Một giọng ca 50 tuổi thường không quá ồn ào, mãnh liệt nhưng lại rất thâm trầm và sâu sắc, bởi các cô chú cảm nhận và hát bằng tất cả những trải nghiệm sống, bằng bề dày cảm xúc trong trái tim của mình. Điều đó thể hiện rất rõ không chỉ trong giọng hát mà còn ở cách xử lý ca khúc, ở phong cách biểu diễn, v.v...
III. NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THỂ KHÔNG CHÚ Ý…
Tuy nhiên, việc học nhạc ở tuổi 50 không phải chuyện dễ dàng. Ở tuổi này, độ căng dãn của các dây thanh cũng không còn như trước, bộ máy hô hấp cũng yếu đi ít nhiều do thời gian dài tiếp xúc với ô nhiễm trong môi trường sống, trong nơi làm việc,… Vì vậy việc đi học Thanh nhạc ở một giáo viên có chuyên môn, có kinh nghiệm là rất quan trọng. Bởi nếu không được hướng dẫn đúng đắn và cẩn thận, dây thanh làm việc quá mức rất dễ bị khàn tiếng, bị viêm mạn tính, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những căn bệnh khác trầm trọng hơn, nhất là ở những người lớn tuổi.
Tóm lại, niềm đam mê âm nhạc là không giới hạn (Nếu thường xuyên theo dõi báo chí, có lẽ các bạn sẽ nghe nói đến thí sinh cao tuổi nhất trong cuộc thi Tiếng hát mãi xanh là cụ bà Lê Thị Nhung 74 tuổi). Niềm đam mê đó đã giúp các lớp Thanh nhạc ngày càng trở nên vui tươi hơn, ấm áp hơn không chỉ bởi sự nhiệt huyết của các bạn trẻ mà còn bởi sự lạc quan, trẻ trung, yêu đời của những cô chú không bao giờ nghĩ mình ở “tuổi xế chiều”. Mong rằng niềm đam mê đó sẽ lớn mãi để cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn.