Nên cho trẻ học hát như thế nào?
Theo các nghiên cứu gần đây, trẻ có thể “nghe” nhạc từ lúc còn …trong bụng mẹ và các nhà khoa học khuyên các bà mẹ có thể cho thai nhi nghe nhạc từ tuần thứ 16 trở đi. Mỗi ngày từ 1 tới 2 lần, mỗi lần kéo dài từ 20 đến 25 phút
Thật ra, trẻ có thể cảm nhận âm nhạc từ rất sớm.Theo các nghiên cứu gần đây, trẻ có thể “nghe” nhạc từ lúc còn …trong bụng mẹ và các nhà khoa học khuyên các bà mẹ có thể cho thai nhi nghe nhạc từ tuần thứ 16 trở đi. Mỗi ngày từ 1 tới 2 lần, mỗi lần kéo dài từ 20 đến 25 phút. Càng ngày các nhà khoa học càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “thai giáo” theo phương pháp này.
_ Tuy nhiên , cho trẻ học hát lúc nào lại là một câu hỏi khá quan trọng. Dù học hát hay học chơi bất kì nhạc cụ nào, bạn cũng phải đợi bé “đủ” trưởng thành về thể chất và tâm sinh lý.Chẳng hạn với piano và đàn dây, bạn nên đợi xương khớp tay bé đủ cứng cáp,thường là từ 7-14 tuổi, những loại nhạc cụ khác như kèn, sáo,… đòi hỏi thể chất và hơi, thì nên đợi lâu hơn.
_ Về học hát, điều đặc biệt phải chú ý là ở tuổi nhỏ, cổ họng và dây thanh của bé còn rất yếu. Nếu không biết cách tập có thể làm hư giọng sau này. Hầu hết các ca đoàn nhà thờ ở Mỹ không nhận trẻ em dưới 5 tuổi. Nếu trẻ quá nhỏ, họ khuyên các phụ huynh nên khuyến khích trẻ tự “khám phá” giọng của mình bằng cách thử hát những bài nhạc đơn giản để biết những cao độ nào trẻ có thể đạt và không đạt được, ngoài ra còn có thể hướng dẫn trẻ cách ngân giọng hoặc thậm chí cách đọc 1 bản nhạc.Một khi đã vào ca đoàn, họ sẽ dạy bằng cách cho trẻ hát nhẩm theo, nhưng phải chú ý không để trẻ phải cố gắng quá sức.
_ Đó là về khía cạnh thể chất. Còn về khía cạnh tư duy, tâm sinh lý? Thử làm một phép so sánh việc học nhạc với việc học nói: chúng ta thấy không thể bắt 1 bé mới 3 tuổi học thuộc lòng một bài thơ dài, âm nhạc cũng vậy. Thường thì khi trẻ bắt đầu bi bô 1, 2 chữ, người mẹ có thể chơi với trẻ bằng cách hát những bài hát đơn giản và để trẻ hoàn thành những nốt cuối, hoặc cho trẻ nghe những bài nhạc đơn giản và cùng hát theo. Khi trẻ lớn hơn, có thể gởi trẻ đến trường mẫu giáo hoặc các nhà thiếu nhi,… để giúp trẻ tiếp xúc với âm nhạc một cách tự nhiên và đúng sư phạm qua các hoạt động âm nhạc như hát, múa, nhảy theo nhạc cùng bạn bè,…
_ Bên cạnh việc tạo điều kiện cho trẻ học hát, một vấn đề quan trọng khác không nên bỏ sót là cần chú ý các bệnh về tai mũi họng và bệnh hô hấp ở trẻ. Trẻ em rất dễ bị viêm họng, viêm tai giữa, hen suyễn, viêm phổi… Nếu không được chú ý đúng mức, có thể tiến triển thành viêm họng mạn tính hoặc các bệnh đường hô hấp về sau, ảnh hưởng nhiều đến chất giọng tự nhiên cũng như khả năng ca hát của trẻ sau này .
_ Nói chung đó là một quá trình lâu dài, không nên nóng vội. Mục tiêu học nhạc cuối cùng vẫn chính là vì sự phát triển của trẻ mà thôi.
Nhà báo Bắp Cải