Nở rộ các lớp “nâng trình karaoke”
Ngay trong ngày đầu đi làm sau Tết, chị Thương, 31 tuổi, sống ở Thanh Xuân, Hà Nội, đã khẩn trương liên lạc với 6 người bạn cùng khóa học thanh nhạc cơ bản với mình để tổ chức bữa bế giảng hoành tráng tại quán karaoke.
“Khóa học có 12 buổi luyện tại lớp và 4 buổi thực hành tại quán karaoke. Lẽ ra tất cả hoàn thành trước Tết, nhưng vì thời gian cập rập, vả lại mọi người cũng muốn gặp lại nhau trong một buổi liên hoan mừng năm mới nên nhất trí dành buổi thực hành cuối cùng cho dịp đầu xuân. Chúng tôi đã thống nhất sẽ đi hát vào tối thứ 6 này, tôi là lớp trưởng nên có nhiệm vụ liên lạc với mọi người để khẳng định lại”, Thương nói.
Chị Thương là nhân viên ngân hàng, tự nhận hát không hay nhưng hay hát, đặc biệt rất thích thể hiện ở quán karaoke và những dịp đám cưới, sinh nhật. “Một lần vào diễn đàn cho các bà mẹ, tôi tình cờ biết được có nhiều lớp đào tạo thanh nhạc cho những người không phải là ca sĩ, thế là gọi điện hỏi và đăng ký ngay”, Thương tâm sự.
Tuấn, 28 tuổi, kỹ sư xây dựng, cũng tranh thủ theo một lớp thanh nhạc cơ bản sau giờ làm việc. Bao lâu nay vẫn hát một cách bản năng theo đĩa, chàng trai độc thân này rất hứng thú với việc được tiếp xúc với những kiến thức “chính thống” của thanh nhạc, dù chỉ ở trình độ ABC. Tuấn cho biết, trong buổi đầu tiên, thầy giáo của trung tâm giới thiệu cho học viên những điều cơ bản về nhạc lý, các kỹ thuật thở, lấy hơi, khẩu hình… rồi bắt đầu cho luyện thanh.
Ảnh tại trung tâm nghệ thuật Mr Thương
“Tập lấy hơi, nén hơi… và luyện thanh là những hạng mục bắt buộc trong các buổi học. Khi chúng tôi đã khá hơn một chút, thầy giáo cho tập bài cho đỡ chán”, Tuấn nói và cho biết, anh phải đóng 2 triệu đồng học phí, còn những buổi thực hành ở quán karaoke thì hết bao nhiêu, học viên chia nhau ra thanh toán bấy nhiêu. Sau khóa học 6 tuần, Tuấn tự nhận là mình đã tiến bộ rất nhiều. “Đi hát karaoke với mấy thằng bạn, chúng nó đều khen dạo này hát đẳng cấp hơn hẳn, không có chuyện đứt cả hơi, tắc cả cổ vẫn cố gân cổ lên gào nữa, giờ hát ngon mà không mất sức nhé”, Tuấn khoe.
“Già như cô có được học không cháu?”
Chị Ngà, 37 tuổi, có giọng hát được mọi người khen là hay và truyền cảm. Thế nhưng mỗi lần cơ quan tổ chức các buổi diễn hay cuộc thi văn nghệ, chị chẳng bao giờ được giải. “Mình hát chay thì được, chứ ghép với nhạc là hỏng ngay, người đàn với người hát cứ như chẳng liên quan gì đến nhau. Mình toàn hát sai nhịp, lộn tùng phèo cả lên”, chị Ngà tâm sự. Ngà ước được học để hát đúng và hay hơn, nhưng chị nghĩ các lớp thanh nhạc được mở ra là để đào tạo ca sĩ chứ không dành cho “người thường” như chị, trừ lớp văn nghệ cho trẻ em ở nhà thiếu nhi.
Vì thế, khi đứa cháu ruột bảo ở Hà Nội có rất nhiều lớp dạy hát cho người lớn, bất cứ ai cũng có thể đăng ký, Ngà cứ không tin. Đến khi đứa cháu đến tận trung tâm đăng ký, đóng tiền rồi mang thẻ học viên về tặng, chị vẫn lo ngay ngáy vì mình đã nhiều tuổi. Chỉ vì nể cháu mà chị đành “đánh liều” đến lớp.
“Thấy 2 bạn cùng lớp trẻ măng, đều là sinh viên hoặc mới đi làm, tôi ngại kinh khủng. Nhưng mấy người đến sau đó chỉ ít hơn tôi vài tuổi, và cuối cùng may quá, có một chị còn già hơn tôi nhiều, phải cỡ U50. Hai chị em già nhất lập tức túm lấy nhau thân thiết”, Ngà tươi cười nói.
Ngồi nói chuyện mới biết học viên U50 kia cũng có nỗi e ngại giống Ngà. Chị kể: “Chị thích hát lắm. Ở nhà chị vừa nấu cơm, lau nhà vừa hát vang lên. Nhưng mỗi lần như thế, chồng chị cười bò, còn con trai thì nhăn mặt trêu rằng mẹ ơi, giọng hát của mẹ thật kinh khủng. Vì thế chị quyết học hát cho bố con nó biết tay, nhưng ngại cái chuyện tuổi tác. Chị gọi điện đến trung tâm mấy lần, hỏi đi hỏi lại là già như cô có được học không cháu? Các cháu bảo được cô ạ, những người tuổi như cô đi học nhiều lắm, thế là chị mới lò dò đi thử đấy”.
Anh Nguyễn Hiếu, giảng viên Trung tâm Thanh nhạc Mr Thương, Hà Nội, cho biết trung tâm tiếp nhận không ít học viên ở lứa tuổi 30, 40. Và trái với suy nghĩ của nhiều người rằng phải hát hay mới đi luyện để hát hay hơn, không phải ai đến đây cũng có giọng. Nhiều người thậm chí có giọng hát rất “khiêm tốn”, hoặc làn hơi rất yếu… Điểm chung của họ là lòng yêu thích ca hát, muốn cải thiện khả năng hát của mình để tham gia các cuộc vui cho “xôm tụ”, hoặc đơn giản là để cảm thấy “sướng”, thấy “đã” khi cất lên những ca khúc yêu thích của mình.
“Có những người đi học hát với mục đích ‘cải tạo’ tính nhút nhát và sợ đám đông. Có những học viên thậm chí cả đời còn chưa cầm mic hát, chưa nói trước đông người bao giờ”, anh Hiếu cho biết. “Thế nhưng sau một số buổi học, đặc biệt là các buổi thực hành, họ bắt đầu hăng hái đứng hát trên sân khấu, thậm chí giằng nhau, cướp nhau mic để hát”.
Không cần làm ca sĩ, chỉ muốn đời “tươi” hơn
Sau khi hoàn thành khóa học cơ bản, anh Bình, 29 tuổi, làm công tác nhân sự trong một công ty tại Hà Nội, đăng ký học khóa nâng cao. “Lớp nâng cao thường có số học viên ít hơn, chỉ khoảng 5 người, chứ không phình ra đến 7 - 8 người như một số lớp cơ bản. Ngoài hướng dẫn luyện thanh, thầy giáo sẽ rèn kỹ hơn cho từng học viên về kỹ thuật thanh nhạc qua từng ca khúc cụ thể”, Bình giải thích.
Bình cho biết sau khóa nâng cao, anh hát hay hơn rất nhiều, tuy nhiên vẫn cảm thấy chưa “đã”, Anh xin “thụ giáo” theo kiểu một thầy một trò. Thầy giáo chỉ có thể dành cho anh mỗi buổi một tiếng đồng hồ vào chủ nhật, nhưng Bình cảm thấy mình tiến bộ trông thấy.
“Thầy giáo bảo với giọng của mình, nếu sớm luyện tập một cách chuyên nghiệp thì mình còn hát hay hơn khối ca sĩ có tiếng bây giờ. Bạn bè nhiều người cũng bảo rằng thật tiếc vì trước đây mình không chọn con đường học làm ca sĩ. Nhưng mình không thấy tiếc vì đối với mình, âm nhạc là để thỏa mãn những rung cảm của bản thân”.
“Mình học thêm kỹ thuật thanh nhạc không phải để được khen ngợi là hát hay như ca sĩ, mà với ca khúc mình yêu thích, việc hát đúng, xử lý tốt không chỉ truyền tải được đúng tinh thần bài hát, dụng ý tác giả mà còn truyền tải được cho người nghe cảm xúc của chính mình, thể hiện được sự đồng cảm của mình với tác giả và khiến người nghe đồng cảm với mình nữa. Mỗi lần cảm thấy hát được như thế là mình sướng lắm. Kể cả lúc hát một mình mà biết là hay, mình cũng thấy thỏa mãn, đê mê vô cùng”, Bình tâm sự.
Thu Hằng, phụ trách công tác truyền thông của một công ty liên doanh tại Hà Nội, cho biết cô đi học hát nhằm mục đích xây dựng hình ảnh cá nhân, tăng khả năng cuốn hút mọi người để đạt hiệu quả cao hơn trong công việc và sự thăng tiến. Hằng cao ráo, gương mặt ưa nhìn, nói tiếng Anh như gió, ăn mặc rất có gu. Và với việc hát hay hơn sau khóa thanh nhạc, hình ảnh của cô càng trở nên hoàn hảo trong mắt đồng nghiệp và đối tác. Cô là hình mẫu của người phụ nữ hiện đại, đẹp và đa năng.
Còn Thủy Lê, 43 tuổi, một bà nội trợ sống ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội,(tham gia lớp học hát ở 27B Trần Hưng Đạo) cho biết tuy hát không hay nhưng chị vẫn thích đi học: “Người ta nói cuộc sống của phụ nữ ở nhà cơm nước, để chồng nuôi là nhàm chán, nhưng với tôi thì không. Ngoài việc chu toàn việc nhà, chăm sóc chồng con chu đáo, thời gian còn lại tôi dành cho bản thân. Tôi đã học khiêu vũ, học nấu ăn, pha chế đồ uống, cắm hoa, học trang điểm, tập yoga… và bây giờ thì học hát”
“ Những thứ tôi học được không chỉ phục vụ cho các nhu cầu cơ bản của cuộc sống như ăn ngon, mặc đẹp, gìn giữ sức khỏe và sắc đẹp… mà nó còn là những kiến thức thú vị khiến tôi thấy đầu óc, tâm hồn mình phong phú hơn. Vì thế dù không đi làm, tôi vẫn không lạc hậu, cũng không lạc lõng so với phụ nữ công sở. Tôi không bao giờ thấy cuộc sống của mình tẻ nhạt, chồng tôi và mọi người cũng không bao giờ thấy tôi là người đàn bà tẻ nhạt, kém hấp dẫn cả. Đó là chưa kể qua các lớp học, tôi có thêm rất nhiều bè bạn đủ mọi ngành nghề”, chị Thủy Lê nói.
Với chị Lê, đi học thêm các kỹ năng đơn giản chỉ là “để cho đời tươi hơn”, và còn gì có thể làm cuộc sống “tươi” hơn nếu không phải là âm nhạc?
|