Cán bộ Đoàn đam mê nghệ thuật
Năng động, có nhiều sáng kiến, yêu thích các hoạt động Đoàn, Đội và đặc biệt là niềm đam mê âm nhạc… đó là ấn tượng khi tôi gặp Vũ Ngọc Thương. Với mong muốn tạo ra nhiều sân chơi dành cho mọi lứa tuổi, anh đã sáng tạo, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, bổ ích và thiết thực. Bên cạnh đó anh còn là một giảng viên dạy thanh nhạc, dạy phát âm chuẩn, chữa nói ngọng và giọng địa phương.
GD&TĐ) - Năng động, có nhiều sáng kiến, yêu thích các hoạt động Đoàn, Đội và đặc biệt là niềm đam mê âm nhạc… đó là ấn tượng khi tôi gặp Vũ Ngọc Thương -Trung tâm Hướng dẫn hoạt động thiếu nhi Trung ương – Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Với mong muốn tạo ra nhiều sân chơi dành cho mọi lứa tuổi, anh đã sáng tạo, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, bổ ích và thiết thực. Bên cạnh đó anh còn là một giảng viên dạy thanh nhạc, dạy phát âm chuẩn, chữa nói ngọng và giọng địa phương.
Bắt đầu từ niềm đam mê âm nhạc
Say mê âm nhạc từ nhỏ, mẹ là giáo viên mầm non nên Thương hay được tham gia vào đội hát, múa cùng các bạn khi còn nhỏ. Bà ngoại Thương thấy cháu thích đàn và hát, năm lớp 6 bà đã tặng cho đứa cháu nhỏ của mình một cây đàn guitar. Tự mầy mò học hỏi, càng học, Thương càng yêu thích và ước mơ sẽ theo đuổi ngành Âm nhạc.
Lên lớp 10, tuần 3 buổi Thương đạp xe đến Cung Văn hóa Hữu nghị để học đàn với người thầy đầu tiên là cố nghệ sĩ guitar Hải Thoại. Với niềm đam mê Thương đã thi vào Nhạc viện học tập và tốt nghiệp năm 2000. Năm 2001, Thương thi vào Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương theo đuổi chuyên ngành Thanh nhạc.
Khi còn là sinh viên, Thương rất tích cực trong công tác Đoàn và phong trào Hội Sinh viên của trường. Anh lên vùng cao viết bài, sáng tác nhạc, chơi đàn và hát trong các buổi sinh hoạt, trong phong trào ca hát của sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Trong những năm học tập tại trường, Thương luôn là sinh viên xuất sắc với điểm số cao nhất trường. Năm 2004, Thương tốt nghiệp hạng ưu và đạt danh hiệu Thủ khoa xuất sắc của Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương và được UBND thành phố Hà Nội vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm 2006, Thương là một trong những người đầu tiên thành lập Câu lạc bộ Thủ khoa xuất sắc của thành phố và giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Thủ khoa xuất sắc thành phố Hà Nội.
Thành công từ hoạt động Đoàn
Với lòng nhiệt tình, năng động, đam mê công việc, Thương không ngừng tìm tòi những cách làm mới, từng bước khẳng định mình. Sẵn cái “duyên nghệ thuật” từ nhỏ, lại được đào tạo bài bản, âm nhạc luôn đồng hành trong mọi công việc để giúp Thương luôn thành công.
Năm 2009, anh thành lập Trung tâm nghệ thuật Mr Thương và trực tiếp giảng dạy ở nhiều môn đặc biệt là dạy hát karaoke. Với mong muốn đem những kiến thức, hiểu biết của mình truyền lại cho mọi người, những người chưa từng được học âm nhạc một cách chính thống, tự nhận mình là không có năng khiếu ca hát. Là một người trẻ giỏi chuyên môn, giảng dạy chuyên nghiệp, vui và dễ hiểu, uy tín của anh và Trung tâm càng được nhiều người biết đến thông qua website www.thanhnhac.vn.
Anh nói vui về phương châm của mình là: “Chỉ cần bạn biết nói, tôi sẽ giúp bạn biết hát”. Đến nay Trung tâm đã đào tạo hơn 350 khóa học ngắn hạn với gần 4.000 học viên, hình thức dạy không đại trà mà đi sâu vào rèn luyện kĩ năng cho học viên, giờ đây Trung tâm đã trở thành địa chỉ tin cậy về đào tạo, giảng dạy các lĩnh vực như: Dạy thanh nhạc, dạy hát karaoke; dạy đàn guitar, organ, piano; luyện thi tạo nguồn Đồ Rê Mí; dạy nhảy hiện đại; dạy phát âm chuẩn, chữa nói ngọng và giọng địa phương… cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi.
Điều quan trọng là sự tâm huyết
Thương chia sẻ: “Với người giáo viên khi đứng trên bục giảng, quan trọng nhất là sự tâm huyết với nghề, truyền tải hết những gì mình có cho học viên bằng ngọn lửa đam mê để làm cháy lên những niềm khát khao của học trò. Giảng dạy nghệ thuật càng cần chú ý hơn nữa đến sự hứng thú trong học tập của học viên, cách truyền đạt phải gần gũi, ngôn từ dễ hiểu, ví dụ minh họa gắn phải liền với cuộc sống hàng ngày…”.
Sắp tới anh sẽ mở rộng mô hình các lớp dạy về chữa nói ngọng và giọng địa phương cho mọi lứa tuổi theo giáo trình anh biên soạn, thử nghiệm và rất thành công ở nhiều nhóm lớp. Theo anh, hiện nói ngọng đang trở thành rào cản vô cùng lớn trong giao tiếp và công việc. Có nhiều trường hợp chỉ vì tật nói ngọng mà trở nên tự ti vào bản thân, mất đi những cơ hội tốt trong nghề nghiệp và trong cuộc sống. Xuất pháp từ thực tế đó anh đã phối hợp với các chuyên gia xây dựng khóa học về chữa ngọng và giọng địa phương để giúp những người có khiếm khuyết về giọng nói hay phát âm ngữ điệu địa phương có giọng nói chuẩn, tự tin trong công việc và giao tiếp hàng ngày.
Anh trải lòng: Muốn thành công trong sự nghiệp phải có niềm đam mê, học hỏi, tìm tòi sáng tạo, tự trau dồi kiến thức, kiên trì với niềm đam mê ấy. Mơ ước là một chuyện nhưng việc thực hiện được ước mơ lại là chuyện khác. Tôi không biết sau này như thế nào nhưng tôi có thể chắc chắn một điều rằng: Ngọn lửa đam mê âm nhạc trong tôi sẽ không bao giờ tắt, còn đam mê, tôi còn mơ ước và tin chắc rằng ước mơ của mình sẽ thành hiện thực.
Giảng viên thanh nhạc Vũ Ngọc Thương
- Thủ khoa xuất sắc Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương năm 2004;
- Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Thủ khoa xuất sắc TP Hà Nội năm 2006 - 2010;
- Phó trưởng phòng Phòng Phương pháp công tác Đội và trẻ em, Trung tâm Hướng dẫn hoạt động thiếu nhi Trung ương – Trung ương Đoàn;
- MC chương trình “60 phút Bạn và Tôi” của Đài PT&TH Hà Nội.
- Sáng lập Trung tâm Nghệ thuật Mr. Thương
Theo Giáo dục và thời đại
http://www.baomoi.com/Can-bo-Doan-dam-me-nghe-thuat/59/11191376.epi