Hiện trên thế giới có hàng chục triệu người đang hàng ngày hàng giờ chống chọi với chứng khó thở do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Điều đáng quan tâm là hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Mới đây, phương pháp điều trị khuyến khích những bệnh nhân mắc bệnh phổi học hát hay ngân nga những giai điệu mà họ yêu thích để giúp giảm bớt các cơn khó thở đã mang lại hiệu quả kỳ diệu.
Ca hát giúp dễ thở hơn
Bà Jane Petto, sống gần Tunbridge Wells (Kent, Anh) than thở: “Nếu muốn đi bộ thì cứ khoảng 15 bước chân là tôi phải dừng lại để lấy hơi một cách khó khăn. Trong trường hợp phải đi lên những bậc cầu thang, chỉ cần nhìn thôi cũng đủ làm tôi ngộp thở”. Được biết, bà Jane Petto chỉ là một trong số hàng chục triệu người cùng cảnh ngộ trên khắp thế giới mắc phải chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, COPD hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 4 trên thế giới, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Theo WHO, trên toàn thế giới có khoảng 600 triệu người mắc COPD, dự đoán trong thập kỷ này, số người mắc bệnh sẽ tăng lên 3 đến 4 lần. Đến năm 2020, COPD sẽ đứng hàng thứ 5 trong gánh nặng bệnh tật toàn cầu, là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong cho nhân loại vào năm 2030.
Thời gian đầu khi mắc bệnh COPD, riêng việc thở đã chiếm hầu hết thời gian của bà Jane Petto khiến cuộc sống của bà trở nên nặng nề, ngột ngạt, ủ rũ. Nhưng kỳ lạ thay, khi bà nghêu ngao hát thì tự dưng thấy dễ thở hơn, toàn cơ thể bỗng nhẹ hơn. Với bà những cảm giác ấy thật sự thoải mái.
Một cuộc nghiên cứu về COPD mới đây liên quan đến việc ca hát tại Đại học Canterbury (CCCU) ở Anh đã chỉ ra rằng, lợi ích của việc ca hát tới chứng bệnh khó thở là có thật. Tiến sĩ Ian Morrison, một trong những thành viên của dự án cho biết: “Chức năng phổi đã được cải thiện đáng kể nhờ ca hát, đặc biệt là sau khoảng 5 tháng, người luyện hát đã thay đổi thói quen thở của mình”. Tiến sĩ Ian cũng cho biết thêm, việc ca hát giúp cho người bệnh thở ra chậm hơn để tăng khả năng hấp thụ oxy trong cơ thể và giúp cơ thể thư giãn.
Hiệu quả với bệnh nhân bị bệnh phổi
Để kiểm tra các hiệu ứng của nó, ông Morrison và các đồng nghiệp đã đề nghị hơn 100 bệnh nhân COPD - từ người bệnh nhẹ đến giai đoạn nặng - tham gia vào các khóa học hát hàng tuần trong thời gian 12 tháng.
Giáo sư Stephen Clift, nhà nghiên cứu chính cho biết: “Trong nghiên cứu của chúng tôi, trung bình 1 người sẽ cải thiện được 50% chức năng của phổi. Điều đó có nghĩa là khoảng 1,5 lít oxy được đẩy ra ngoài trong lần thở thứ hai. Với lá phổi khỏe mạnh, trung bình là khoảng 3 lít”.
Theo Tiến sĩ Ian Morrison, ca hát có thể là một công cụ hữu ích trong việc giúp người bệnh chủ động hơn về bệnh tật của mình và có cuộc sống “dễ thở” hơn. “Thứ mà chúng tôi muốn tìm ở ca hát là liều thuốc bổ cho các bệnh mạn tính. Điều này được rút ra sau những nghiên cứu khả thi chứ không phải là trường hợp ngẫu nhiên” - Tiến sĩ Ian Morrison chia sẻ.
Bệnh nhân Jane Petto khẳng định, ca hát đã giúp cải thiện cuộc sống của bà: “Tôi được chẩn đoán mắc bệnh COPD cách đây 17 năm và 4 năm sau đó, tôi lại được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi. Trong một hy vọng cuối cùng, tôi đã tìm đến
ca hát như một liệu pháp giúp thư giãn. Kết quả thật bất ngờ, khả năng hô hấp của tôi đã được cải thiện đáng kể”.